Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D được lựa chọn là đơn vị thực hiện dự án "Xác lập nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo của xã Bình Minh, huyện Thanh Oai để phục vụ kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 của thành phố Hà Nội".
Những năm qua, huyện Thanh Oai đã triển khai hiệu quả chương trình sản xuất lúa hàng hóa, trở thành vùng trồng lúa hàng hóa trọng điểm của thành phố với gần 70% diện tích lúa chất lượng cao. Đối với các xã đã hình thành vùng sản xuất lúa và có thương hiệu, huyện có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng Thủ đô và hướng đến xuất khẩu tới các thị trường thế giới trong tương lai. Dựa trên Quyết định số 5342/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, xã Bình Minh - một trong những địa phương đi đầu trong chương trình sản xuất lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu, được lựa chọn để thực hiện xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm gạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu của địa phương.
Hiện tại, xã Bình Minh có tổng 672,5 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó tổng diện tích lúa gieo cấy của địa phương là 396 ha, sản lượng lúa cả năm đạt trên 3.700 tấn, mang lại doanh thu hơn 50 tỷ đồng. Người dân tổ chức sản xuất cấy lúa theo 2 vụ: Vụ xuân và vụ mùa, tập trung vào các giống lúa chất lượng cao như giống Bắc Thơm 07, giống lúa thơm 225 theo hướng sản xuất hữu cơ, an toàn. Thực hiện theo kế hoạch phát triển nông nghiệp do UBND xã đề ra, Hợp tác xã nông nghiệp xã Bình Minh đã tổ chức thực hiện việc liên kết với các hộ nông dân để sản xuất quy mô tập trung, tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa nhằm giảm giá thành, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, để đảm bảo đầu ra, ổn định giá cả để người dân yên tâm sản xuất, hợp tác xã liên kết với các doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm như Hợp tác xã Đoàn kết Ứng Hòa, Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Green path Việt Nam tiêu thụ sản phẩm lúa tươi sau khi thu hoạch.
Có thể thấy, với mục tiêu phát triển các vùng lúa hàng hóa chất lượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của người dân Thủ đô cũng như đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, mở ra cơ hội lưu thông sản phẩm địa phương trên thị trường, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, việc xây dưng thương hiệu gạo cho xã Bình Minh phù hợp với chiến lược phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ của Chính phủ cũng như Thành phố Hà Nội.
Dự án được thực hiện với mục tiêu: Xác lập nhãn hiệu tập thể gạo phục vụ Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giúp bảo vệ uy tín, danh tiếng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh bị lạm dụng hoặc giả mạo sản phẩm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm được bảo hộ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.